Giá dầu ổn định gần mức cao nhất trong ba tuần vào thứ Năm (6/10) sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC + nhất trí thắt chặt hơn nữa nguồn cung dầu thô toàn cầu với thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2020.
Vàng đen nhích nhẹ sau cuộc họp của OPEC+
Vào lúc 12 giờ 38 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao kỳ hạn giao tháng 12 tăng 4 xu lên 93,41 USD/thùng sau khi tăng 1,7% trong phiên trước đó.
Giá dầu thô chuẩn Tây Texas (WTI) của Mỹ giao tháng 11 tăng 2 xu lên 87,78 USD/thùng, giá đã tăng 1,4% vào thứ Ba.
Trong những tuần gần đây, giá dầu thế giới giảm giá xuống mức của thời điểm trước khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine do lo ngại kinh tế toàn cầu suy giảm. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, giá dầu tăng trở lại dựa trên dự báo OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng. Saudi Arabia cho biết việc cắt giảm – tương đương khoảng 2% nguồn cung trên toàn thế giới – là do lãi suất tăng ở phương Tây và nền kinh tế toàn cầu suy yếu.
Trong khi đó, hãng Bloomberg đưa tin Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu thêm 3 triệu thùng/ngày nếu Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ tiếp tục kế hoạch giới hạn giá nhiên liệu của Nga.
Ông Robert McNally, người đứng đầu Công ty tư vấn Rapidan Energy Group và từng là cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush lưu ý rằng Nga có thể thực hiện động thái như vậy mà không phương hại gì đến các mỏ dầu của nước này.
Còn ông Kevin Book, Giám đốc điều hành Công ty phân tích ClearView Energy Partners nói: “Thậm chí 50% trong số đó (sản lượng dầu bị cắt giảm) cũng có thể ngay lập tức gây áp lực lên thị trường”.
Xem thêm
- Vàng đen đi lên khi nguồn cung nhiên liệu thắt chặt
- Vàng đen đảo ngược đà tăng do lo ngại suy thoái
- Vàng đen hồi phục trở lại sau quyết định của FED
- Vàng đen có dấu hiệu chững lại khi dự trữ tại Mỹ giảm mạnh
Triển vọng giá dầu
Thông báo sáng nay từ cuộc họp của OPEC+ tại Vienna, Áo được xem như một bất ngờ không mong muốn đối với Washington, khi Nhà Trắng đang nỗ lực tăng nguồn cung dầu để giảm giá dầu trong nước.
Ngày 5/10, Nhà Trắng cho biết thất vọng về động thái này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang kêu gọi Chính phủ và Quốc hội Mỹ tìm cách đẩy mạnh sản xuất năng lượng trong nước, đồng thời làm suy giảm khả năng kiểm soát giá năng lượng của OPEC.
Ngoài ra, tuyên bố của Nhà Trắng cũng cho rằng việc OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng ở mức 2 triệu thùng/ngày là “thiển cận”. Tổng thống Biden để ngỏ khả năng tiếp tục mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia trong trường hợp cần thiết.
Việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất dường như là đòn giáng mạnh khi nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tác động tiêu cực từ căng thẳng tại Ukraine.
Biểu đồ giá dầu WTI khung thời gian 1 giờ
Nhà Trắng cho biết họ sẽ tham khảo ý kiến Quốc hội về các cách giảm bớt nguồn cung để tránh tác động của cuộc khủng hoảng giá năng lượng hiện nay. Bối cảnh này có thể khiến nhiều thành viên của tổ chức vướng vào các vụ kiện chống độc quyền.
Lượng dầu dự trữ của Mỹ tung ra vào tuần trước cũng hỗ trợ giá dầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết tồn kho dầu thô giảm 1,4 triệu thùng xuống 429,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/9
Biểu đồ giá dầu WTI khung thời gian hàng ngày
Giá dầu WTI đã tăng cao hơn sau quyết định của OPEC và đà tăng mạnh trong tuần trước. Những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu đã khiến giao dịch WTI xuống mức thấp nhất hàng năm dưới 76,50 USD trước khi bắt đầu đợt tăng gần đây. Đà di chuyển mạnh khỏi các mức thấp này hiện cho thấy WTI đang thách thức ngưỡng kháng cự của đường xu hướng đã hạn chế tiềm năng tăng giá trong 3 tháng qua. Đường trung bình động 50 ngày cũng có thể được tìm thấy ở mức 88 USD. Việc phá vỡ những trở ngại quan trọng này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, vì sắp tới chi phí năng lượng còn cao hơn. Cũng giống như các ngân hàng trung ương đang tìm cách đối phó với lạm phát, thị trường đang ghi nhận sự gia tăng khác trong thành phần năng lượng trong các tính toán CPI toàn cầu.
Trong khi đó, thị trường vốn đang chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với dầu của Nga vào tháng 12, triển vọng nhu cầu vẫn bị lu mờ trước lo ngại suy thoái toàn cầu.
Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết: “Đồng USD, những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và các lệnh trừng phạt của EU trong tháng 12, tất cả đều gây sức ép lên giá dầu trong ngắn hạn”.
Như Mai