Thị trường lao động Mỹ hiện vẫn đang rất nóng
Học chơi trading – Các báo cáo vừa công bố cho thấy, thị trường lao động Mỹ hiện vẫn đang rất nóng, chấp chấp tác động từ các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Điều này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới quyết định lãi suất của giới hoạch định chính sách trong tháng 12 tới.
Tham khảo thêm: Những đồn đoán về việc FED xoay trục thúc đẩy EUR/USD tăng giá
Theo Khảo sát về Cơ hội Việc làm và Lao động Nghỉ việc (JOLTS), số lượng vị trí cần tuyển dụng tại các doanh nghiệp Mỹ trong tháng 9 là 10,717 triệu, vượt xa mức dự báo 10 triệu, và mức 10,28 triệu vị trí của tháng 8.
VIệc nền kinh tế Mỹ có nhu cầu lao động cao hơn dự báo, sẽ là dữ liệu việc làm cuối cùng được giới chức FED đưa vào xem xét, trước khi công bố quyết định lãi suất chính sách tháng 11. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dữ liệu này sẽ khó có khả năng làm thay đổi quy mô đợt tăng lãi suất mà FED sắp thực hiện, được dự báo ở mức 0,75 điểm %.
Thay vào đó, các số liệu việc làm mạnh hơn dự kiến, được cho là sẽ ảnh hưởng đến khả năng FED xoay trục chính sách vào tháng 12 tới. Trước đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng, sự suy yếu của nền kinh tế và thị trường việc làm, sẽ khiến giới chức FED giảm tốc độ nâng lãi suất trong tháng cuối năm. Giờ đây, các nhà phân tích cho rằng, báo cáo JOTLS sẽ giúp FED không phải quá bận tâm về nguy cơ thị trường việc làm suy yếu, và có thể tiếp tục đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ. Giới đầu tư hiện đang chờ đợi các số liệu từ Bảng lương Phi nông nghiệp được công bố vào thứ Sáu tuần này, để xác định cụ thể hơn lộ trình chính sách của FED.
Các dữ liệu tích cực khác của kinh tế Mỹ, cũng sẽ góp phần củng cố quyết tâm tăng lãi suất của các nhà hoạch định chính sách. Mới đây, Viện quản lý cung ứng ISM đã công bố báo cáo cho thấy, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 10 đạt mức 50,2 – cao hơn mức dự kiến 50, nhưng thấp hơn mức 50,9 trong tháng 9. Việc chỉ số ở trên ngưỡng 50, cho thấy hoạt động sản xuất vẫn đang tiếp tục mở rộng, bất chấp áp lực từ lạm phát. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng gia tăng, trong khi thành phần giá giảm từ 51,7 xuống 46,6.
Với việc kỳ vọng của các nhà đầu tư vào khả năng FED xoay trục trong tháng 12 sụt giảm, đồng USD đã tăng cao hơn, khiến EUR/USD giảm xuống một kênh giá rất gọn gàng kể từ ngày 10/2, khi tỷ giá dao động gần mức 1,1500. EUR/USD đã rơi xuống mức đáy cục bộ vào ngày 28/09, gần đường xu hướng dưới cùng của kênh giá ở mức 0,9536 trước khi quay đầu tăng trở lại. Hôm 25/10, cặp tỷ giá đã phá vỡ lên phía trên đường xu hướng trên của kênh và Đường trung bình động 50 ngày, chạm mức đỉnh 1,0080 vào ngày 26/10. Kể từ đó, EUR/USD đã một lần nữa quay trở lại với xu hướng giảm. Với đà tăng của USD trong ngày thứ Ba, cặp tỷ giá hiện đang kiểm tra lực hỗ trợ tại đường xu hướng trên của kênh giá và Đường trung bình động 50 ngày gần mức 0,9884.

Trên khung thời gian 4 giờ, EUR/USD đã quay trở lại mức thoái lui Fibonacci 38,2% của con sóng nối từ mức đáy ngày 28/09 lên mức đỉnh ngày 26/10 gần ngưỡng 0,9883. Nếu xu hướng giảm tiếp tục kéo dài, mức hỗ trợ tiếp theo của cặp tỷ giá sẽ là mức thoái lui 50% trên cùng khung thời gian ở mức 0,9818, sau đó là đường xu hướng dốc lên nối từ mức thấp nhất ngày 28/09 gần 0,9773. Nếu tỷ giá phá vỡ xuống dưới mức này, mức thoái lui Fibonacci 61,8% tại 0,9753 sẽ đóng vai trò là mức hỗ trợ tiếp theo. Tuy nhiên, nếu mức hỗ trợ này được giữ vững và EUR/USD tăng cao hơn, mức tâm lý 1,0000 sẽ trở thành mức kháng cự đầu tiên, tiếp sau đó lần lượt là mức đỉnh ngày 26/10 tại 1,0094, và mức đỉnh ngày 12/09 ở mức 1,0198.

Thanh Hiệp