Cặp tỷ giá CAD/JPY được kỳ vọng có thể gia tăng, và đạt mức đỉnh mới trong thời gian tới, nhờ sự hỗ trợ từ các yếu tố chênh lệch lợi suất trái phiếu và giá dầu.
Lợi suất trái phiếu và giá dầu thúc đẩy đà tăng của CAD/JPY
Tương tự như các nền kinh tế Mỹ và châu Âu, đà tăng lạm phát tại Canada hiện đã có dấu hiệu chững lại, dù vẫn ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Giới chức Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) hiện vẫn tỏ ra khá thận trọng khi lên tiếng cảnh báo, tỷ lệ lạm phát hiện vẫn còn quá cao.
Thông điệp này là dấu hiệu cho thấy, BOC vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới, để kiềm chế sự leo thang giá cả, ngay cả khi điều này có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế Bắc Mỹ. Trên thực tế, việc 2 trong 3 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ưa thích của BOC vẫn tăng cao hơn, càng củng cố thêm khả năng các đợt tăng lãi suất bổ sung sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
Thị trường hiện đang thiên về khả năng BOC sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 0,5 điểm % trong cuộc họp chính sách sắp tới trong tháng 9. Theo ngân hàng Scotia, lãi suất dự kiến sẽ đạt đỉnh ở mức 3,5% trong năm nay, từ mức 2,5% hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ còn những đợt tăng lãi suất khác trong phần còn lại của năm.
Đây sẽ là khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp Canada vốn đang phải chật vật với việc áp lực giá cả và chi phí đi vay liên tục tăng cao. Các số liệu thống kê mới đây cho thấy, triển vọng của các doanh nghiệp nhỏ lẻ tại Canada trong tháng 7 đã suy giảm, trong khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) theo khảo sát của Ivey và S&P Global cũng đồng loạt lao dốc mạnh.
Các chuyên gia cho biết, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Canada là sự leo thang của giá cả và những tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Việc BOC tăng lãi suất chỉ có thể giúp hạn chế tác động của lạm phát, chứ không thể giúp doanh nghiệp cải thiện được những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Đây sẽ là yếu tố mà BOC cần cân nhắc thêm trước khi quyết định tiếp tục tăng lãi suất.
Việc BOC tiếp tục lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tạo động lực thúc đẩy giá trị của đồng dollar Canada tăng cao. Bên cạnh đó, đồng tiền này cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ những diễn biến trên thị trường năng lượng khi giá dầu – mặt hàng quan trọng của Canada đã phá lên cao hơn từ đường xu hướng giảm và xác nhận mô hình nêm tăng. Trong trường hợp giá dầu WTI đạt đến mức mục tiêu của mô hình nêm, giá có thể tăng lên vùng 105 USD, từ đó thúc đẩy tỷ giá CAD/JPY bứt phá lên mức đỉnh mới.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu cũng tác động tích cực lên cặp tỷ giá. Mức chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm giữa Canada và Nhật Bản đều đang có xu hướng tăng cao, cho thấy, thị trường vẫn kỳ vọng rằng BOC sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Yếu tố này sẽ là sự hỗ trợ tiềm năng để đẩy giá CAD/JPY lên cao hơn.
Xem thêm
- Áp lực Fed chi phối giá vàng
- Nvidia báo cáo thu nhập hôm nay; tại sao Phố Wall lại lo lắng
- AUD/USD: phe bán chực chờ test lại mức hỗ trợ 0,6850
Về mặt kỹ thuật, CAD/JPY được dự báo có khả năng tăng dựa trên hành động giá. Có thể thấy trên biểu đồ 4 giờ rằng tỷ giá của cặp đôi này hiện đang chuyển động trên mức EMA 200 và 50 cũng như trên điểm xoay pivot tuần. Cây nến búa tăng giá đã xác nhận rằng EMA 50 là ngưỡng hỗ trợ và giá hiện đang giữ nền bên trên điểm xoay pivot tháng trong quá trình tích lũy đi ngang.
Các vùng kháng cự xung quanh ngưỡng 106,50 và 107,50 sẽ là mục tiêu tiềm năng cho phe mua, vì vậy cặp tỷ giá được kỳ vọng sẽ bứt phá hẳn lên mức cao hơn hoặc lùi về đáy đảo chiều bên trên vùng 105. Trong trường hợp giá phá thủng xuống dưới mức 104,85, xu hướng tăng giá được dự báo sẽ không còn hiệu lực.