Kể từ đầu năm đến nay, đồng bảng Anh đã trải qua hàng loạt biến động mạnh. Từ mức đỉnh đạt được hồi tháng 2, đồng tiền này đã có giai đoạn lao dốc mạnh, rớt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, trước khi phục hồi về mức như hiện nay. Những sự đảo chiều liên tục này khiến triển vọng của cặp tỷ giá GBP/USD trong thời gian tới càng trở nên khó lường.
GBP/USD có khả năng hướng tới mức 1,3000
Hôm 22/2, đồng bảng Anh giao dịch với USD ở mức 1,4250 – mức cao nhất của cặp tỷ giá trong năm 2022. Kể từ đó, GBP/USD đã ghi nhận nhiều tháng giảm liên tiếp, do những khác biệt trong chính sách lãi suất của hai ngân hàng trung ương lớn là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).
Tại Mỹ, sau quãng thời gian dài trì hoãn, giới hoạch định chính sách rốt cuộc đã thừa nhận rằng, tình trạng lạm phát cao không còn là hiện tượng nhất thời, và việc tăng lãi suất để kiềm chế đà leo thang giá cả là điều cần phải được nhanh chóng thực hiện. FED sau đó đã tiến hành tăng tốc độ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm % vào tháng 4. Đến giữa tháng 6, tốc độ tăng đã được nâng lên 0,75 điểm % và duy trì liên tục cho đến tháng 11 vừa qua.
Xem thêm: Chuyên gia luận bàn 2022: Apple là cổ phiếu nên mua hay nên tránh?
Trong khi đó tại Anh, BOE mặc dù đã nâng lãi suất từ khá sớm, nhưng chỉ áp dụng mức tăng nhẹ 0,25 điểm % để tránh đẩy nền kinh tế Xứ sở sương mù rơi vào suy thoái. Điều này đã khiến mức chênh lệch lãi suất giữa hai ngân hàng trung ương ngày càng được nới rộng, kéo theo đó là áp lực giảm đè nặng lên GBP/USD.
Hôm 22/4, GBP/USD đã rơi về mức 1,3000 và đến giữa tháng 6, thời điểm FED đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, tỷ giá tiếp tục rớt xuống mốc 1,2000. Kể từ đó, GBP/USD tiếp tục trượt dốc trong một kênh giá giảm cho đến khi đóng cửa ở mức 1,1235 – bên dưới đường xu hướng dưới của kênh giá vào ngày thứ Tư, ngày 21/9.
Tình hình càng trở nên tệ hơn cho đồng bảng Anh, khi chính quyền cựu Thủ tướng Liz Truss đẩy thị trường tài chính vào tình trạng hỗn loạn bằng việc đưa ra kế hoạch “ngân sách nhỏ”. Những lo ngại về sự thâm hụt ngân sách, đã khiến tỷ giá GBP/USD sụp đổ, trong khi nguồn thanh khoản trong kênh trái phiếu rơi vào tình trạng cạn kiệt. GBP/USD đã rớt xuống mức thấp kỷ lục là 1,03565 do làn sóng bán tháo của nhà đầu tư.
Mọi chuyện sau đó dần được cải thiện, khi ông Rishi Sunak lên đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Anh thay cho bà Liz Truss. BOE cũng đã tiến hành tăng lãi suất mạnh tay hơn ở mức 0,75 điểm % trong cuộc họp chính sách tháng 11, nâng lãi suất cho vay lên mức 3%. Mặc dù mức tăng trước đó là không đủ mạnh, BOE đã phần nào thu hẹp mức chênh lệch lãi suất với FED và cứu vãn thị trường trái phiếu. Đồng bảng Anh hiện đã phục hồi đáng kể và đang giao dịch ở gần mức 1,1950.
Các số liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại Anh trong tháng 10 đã tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với mức 7,7% tại Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc, BOE sẽ phải tăng lãi suất lên cao hơn và trong thời gian dài hơn so với các đồng nghiệp tại FED.
Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ chịu tác động đáng kể từ các chính sách tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trong đề xuất ngân sách mùa thu của Thủ tướng Rishi Sunak. Kế hoạch thắt lưng buộc bụng này được coi là điều cần thiết cho nền kinh tế Anh, vốn đang phải đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài như cảnh báo của BOE.
Xem thêm: AAAFx khẳng định vị thế trong ngành ngoại hối
Trên khung thời gian hàng ngày, GBP/USD đang tiếp tục phục hồi và được kỳ vọng sẽ sớm quay trở lại mức 1,2000. Giá tăng theo mô hình nêm tăng dần và đã vượt lên trên đỉnh của mô hình. Giới quan sát nhận định, tỷ giá GBP/USD có thể phá vỡ xuống dưới mô hình nêm tăng dần, nhưng vẫn chưa rõ cặp tỷ giá liệu có tiếp tục giảm sâu hơn nữa hay không. Các nhịp hồi được coi là hiện tượng bình thường trong một xu hướng tăng và nhiều khả năng, giá sẽ hồi về mức thoái lui Fibonacci 38,2% (tại ngưỡng 1,1467) của đợt sóng tính từ mức đáy của ngày 26/9 đến mức đỉnh của ngày 24/11.
Tuy nhiên, GBP/USD sẽ phải phá vỡ mức hỗ trợ trước khi chạm đến mức đó. Mức hỗ trợ đầu tiên sẽ nằm ở đường xu hướng trên của mô hình nêm gần khu vực 1,1900. Nếu cặp tỷ giá phá vỡ xuống dưới mức đó, mức hỗ trợ tiếp theo sẽ nằm trên đường xu hướng dốc xuống của kênh giá dài hạn gần mốc 1,1650, kế tiếp là đường xu hướng dưới của mô hình nêm gần vùng 1,1550. Tuy nhiên, trong trường hợp cặp tỷ giá tiếp tục tăng cao hơn, các mức kháng cự (mức đỉnh cũ) sẽ lần lượt là 1,2293, 1,2660 và 1,2843. Nếu tiếp tục giữ vững được các mức hỗ trợ quan trọng, cặp tỷ giá được cho là hoàn toàn có khả năng tiến về mức 1,3000 trong thời gian tới.
Xem thêm: Cổ phiếu Amazon có thể trở lại cột mốc giá trị 1 nghìn tỷ USD vào năm 2023
Thanh Hiệp