EUR/USD đang ghi nhận xu hướng giảm nhẹ, xuống gần ngưỡng 1,0700 vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Tư tại thị trường châu Âu. Sự suy yếu của cặp tỷ giá diễn ra trong bối cảnh đồng USD đang tăng mạnh do tâm lý lo ngại về các số liệu lạm phát tại Mỹ.
Trên biểu đồ kỹ thuật, EUR/USD đã không thể giữ được mức giá ở phía trên Đường trung bình động đơn giản (SMA) 50 kỳ, mặc dù đã nhiều lần test mức này trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Ngoài ra, chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) trên cùng biểu đồ cũng đã giảm xuống dưới ngưỡng 50, cho thấy nhà đầu tư đang có xu hướng đứng ngoài cuộc chờ đợi tình hình.
Mặt khác, mức tâm lý 1,0700 và cũng là mức thoái lui Fibonacci 61,8% của xu hướng tăng mới nhất hiện đang đóng vai trò là mức hỗ trợ chính. Việc cặp tỷ giá rơi xuống dưới mức này, có thể kích hoạt một đợt giảm khác xuống các mức 1,0645 – 1,0650 và xa hơn là mức tâm lý 1,0600.
Mức kháng cự tạm thời của cặp tỷ giá nằm ở mức 1,0730 (SMA 50 kỳ), và tiếp đó là mức 1,0760 (mức thoái lui Fibonacci 50%). Trong trường hợp vượt qua mức kháng cự thứ hai, cặp tỷ giá sẽ đối mặt với một rào cản lớn khác tại mức 1,0775 – nơi có đường SMA 200 kỳ.
Sau khi tăng vọt qua ngưỡng 1,0800, lên mức cao nhất trong 2 tuần qua, EUR/USD đã mất động lực và giảm xuống mức 1,0700 do phản ứng bất ngờ đối với dữ liệu lạm phát Mỹ được công bố hôm thứ Ba. Trong ngắn hạn, cặp tiền tệ được dự báo sẽ đối mặt với sự thờ ơ của người mua và xu hướng suy giảm nếu tâm lý thị trường không được cải thiện.
Theo giới chức Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 1 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đôi chút so với mức tăng 6,5% trong tháng 12, nhưng vẫn cao hơn so với kỳ vọng của thị trường là 6,2%. Chỉ số CPI cốt lõi (không bao gồm các mặt hàng có giá dễ biến động như lương thực và năng lượng) tăng 0,4% so với tháng trước đó, phù hợp với dự kiến của giới chuyên gia. Quan trọng hơn, tỷ lệ lạm phát cốt lõi đối với ngành dịch vụ – số liệu được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rất quan tâm, ghi nhận mức tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Những số liệu này cho thị trường thấy rằng, lạm phát trong tháng 1 dù có hạ nhiệt đôi chút nhưng vẫn còn rất nóng, và FED khó có thể chấp nhận một chính sách xoay trục trong ngắn hạn. Theo công cụ FedWatch của CME Group, xác suất ngân hàng trung ương Mỹ giữ lãi suất chính sách ổn định vào tháng 5 sau khi tăng thêm 0,25 điểm % tại cuộc họp vào tháng 3 tới hiện đã giảm từ mức 20% xuống còn 16% sau khi các số liệu CPI được công bố.
Những phát biểu cứng rắn của giới chức FED và việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đã hỗ trợ đồng dollar Mỹ, khiến chỉ số đồng bạc xanh (DXY) duy trì ở trên mức 103,50. Thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngoài giờ cũng ghi nhận mức giảm 0,4% – 0,7% cho thấy tâm lý e ngại rủi ro đang bao trùm thị trường và là yếu tố có lợi cho đồng dollar Mỹ.
Giới đầu tư hiện đang chờ đợi các dữ liệu kinh tế quan trọng sẽ được công bố trong ngày thứ Tư. Dữ liệu sản xuất công nghiệp tháng 12 của châu Âu sẽ không gây ra nhiều tác động đến cặp tỷ giá, trừ khi có kết quả bất ngờ đáng kể. Doanh số bán lẻ tháng 1 tại Mỹ được dự báo sẽ tăng 1,8%, cải thiện đáng kể so với mức giảm 1,1% trong tháng 12/2022. Mặc dù dữ liệu này có thể không ảnh hưởng nhiều đến triển vọng chính sách của FED, nhưng một kết quả tích cực có thể giúp đồng dollar Mỹ duy trì sức mạnh và ngược lại.
Các nhà đầu tư cũng sẽ chu ý đến hiệu suất của các chỉ số chứng khoán chính tại Phố Wall. Trong trường hợp chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm, EUR/USD được dự báo sẽ chịu áp lực giảm giá trong nửa cuối ngày.
Thanh Hiệp – Học chơi trading